Công thức bí mật của TikTok – Nhờ sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và kho dữ liệu khổng lồ (Big Data) giúp thuật toán của TikTok gợi ý nội dung chính xác và hiệu quả, từ đó giữ người dùng ở lại lâu hơn trên nền tảng của mình.
Khi ByteDance mua lại Musical.ly và sáp nhập chương trình hát karaoke này vào TikTok năm 2018, khi đó nó đơn giản chỉ là một ứng dụng video ngắn giữa hàng nghìn ứng dụng dành cho giới trẻ.
Tuy nhiên, sau hai năm, TikTok nằm trong số những ứng dụng được tải về nhiều nhất thế giới. Nó phổ biến đến mức trở thành đích ngắm mới trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc – vốn trước đó chỉ tập trung vào chip và 5G.
Theo SCMP, việc thâu tóm Musical.ly đưa ByteDace đặt chân tới thị trường Mỹ. Còn nguyên nhân đầu tiên thúc đẩy sự bùng nổ của TikTok nằm ở thuật toán For You với khả năng hiển thị nội dung cá nhân hóa thông minh dựa trên AI.
Thuật toán TikTok hoạt động cụ thể thế nào vẫn còn là điều bí ẩn. Tuy nhiên, hồi tháng 6, TikTok tiết lộ công cụ gợi ý nội dung của họ được phát triển dựa trên ba yếu tố:
- Sự tương tác của người dùng trên ứng dụng (như họ like một đoạn phim hay theo dõi một tài khoản nào đó),
- Các yếu tố trong video mà người dùng xem (như âm thanh, hashtag),
- Bối cảnh liên quan tới người dùng (như họ có xu hướng chọn ngôn ngữ gì, ở nước nào, loại thiết bị đang sử dụng).
TikTok giải thích trên blog: “Trên những ứng dụng khác, nhiều người có thể xem một số video nổi bật giống nhau, nhưng dữ liệu do For You đề xuất với mỗi người là duy nhất và phù hợp với riêng cá nhân đó”.
Nhờ cơ chế hiển thị video cá nhân hóa, người dùng TikTok trên thiết bị Android dành tới hơn 68 tỷ giờ cho nền tảng này năm 2019, gấp ba lần so với một năm trước đó, theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường App Annie. Còn theo số liệu nêu trong đơn kiện chính phủ Mỹ của TikTok, nó đã thu hút gần 90 triệu người dùng hàng tháng tại Mỹ tính đến tháng 6, tăng gần tám lần so với tháng 1/2018.
Giới phân tích nhận định, thuật toán của TikTok về cơ bản cũng tương tự thuật toán được tìm thấy trên các ứng dụng của nhiều công ty công nghệ khác. “Sự khác biệt trong giải pháp của mỗi công ty nằm ở engine trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, AI của TikTok có thể ưu việt, nhưng không thực sự độc nhất vô nhị“. Giáo sư Wong Kam-fai, chuyên gia tại Hiệp hội AI Trung Quốc cho biết thêm.
PGS Julian McAuley tại Đại học San Diego, cũng cho biết, hệ thống đề xuất nội dung đã xuất hiện từ gần hai thập kỷ qua trên các trang thương mại điện tử như Amazon, hay công nghệ gợi ý phim tiếp theo có mặt trên Netflix từ cách đây cả chục năm.
Do đó, bí kíp thứ hai của công thức bí mật tạo nên thành công của TikTok chính là thông tin cá nhân về người dùng.
Cựu Giám đốc thông tin của Microsoft, Jim DuBois, nhận định “Thuật toán sẽ chẳng là gì nếu không có dữ liệu”.
Hao Peiqiang, blogger về phần mềm, chia sẻ quan điểm: “Công nghệ vận hành hiệu quả khi thuật toán và dữ liệu người dùng đều ổn. Một phần lý do các ứng dụng của ByteDance có lợi thế cạnh tranh so với đối thủ nằm ở dữ liệu người dùng của họ”.
“Các quy định về quyền riêng tư ở Trung Quốc quá lỏng lẻo và nhận thức về bảo vệ sự riêng tư cũng tương đối thấp”, Hao nói, ngầm nhắc tới “mỏ vàng” về dữ liệu cá nhân mà ByteDance đã thu thập thông qua ứng dụng. TikTok nhiều lần khẳng định họ lưu trữ dữ liệu về người dùng Mỹ trên các máy chủ đặt bên ngoài Trung Quốc và không cung cấp cho chính quyền Bắc Kinh.
Với lý do lo ngại về dữ liệu cá nhân và an ninh quốc gia, Mỹ ra lệnh cấm TikTok hoạt động tại nước này, trừ khi được một công ty Mỹ mua lại. Hàng loạt tên tuổi lớn đã bày tỏ mối quan tâm tới thương vụ như Microsoft, Twitter, Walmart…
Tuy nhiên, theo chính sách kiểm soát xuất khẩu mới của Trung Quốc, các công nghệ liên quan đến “đề xuất nội dung cá nhân hóa dựa trên phân tích dữ liệu” và “giao diện tương tác trí tuệ nhân tạo” phải được chính phủ Trung Quốc thông qua trước khi thực hiện giao dịch trao đổi, mua bán. Do đó, ByteDance có thể phải bán TikTok mà không kèm thuật toán cho Mỹ.
Giới chuyên gia nhận định, thuật toán đề xuất nội dung và AI engine là thứ giúp TikTok giữ chân người dùng, tạo nên sự tăng trưởng đột phá. Nếu TikTok được bán mà không kèm thuật toán, nó có thể không còn hấp dẫn nữa và các công ty Mỹ sẽ không dám mạo hiểm mua lại.
Bên cạnh đó, trong kỷ nguyên smartphone, công nghệ gợi ý nội dung cũng bị chỉ trích vì tạo ra “bong bóng lọc thông tin”, tức người dùng gần như chỉ tiếp cận các nội dung dựa trên thói quen cũ, khiến góc nhìn về thế giới của họ có thể bị ảnh hưởng.