Youtube đang tận dụng 1,5 tỷ người dùng của Youtube Shorts để phát triển tính năng mua sắm và tiếp thị liên kết.
Theo TechCrunch, YouTube đang bổ sung các tính năng mua sắm cho Shorts (phần mềm chia sẻ video ngắn trên Youtube) nhằm cạnh tranh với nền tảng TikTok. Tính năng mua sắm mới cho phép người dùng mua bán sản phẩm thông qua các video ngắn.
Công ty đang bắt đầu giới thiệu tính năng mới với những nhà sáng tạo nội dung đủ điều kiện tại Mỹ, cho phép họ gắn thẻ sản phẩm trong video ngắn để bán. Hiện tại, mới chỉ có người dùng ở các quốc gia Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Canada và Australia có thể xem và mua hàng. YouTube cho biết công ty đang lên kế hoạch phổ biến tính năng mới ở nhiều quốc gia hơn trong tương lai.
Ngoài các tính năng mua sắm, nền tảng phát video trực tuyến còn đang thử nghiệm một chương trình tiếp thị liên kết ở Mỹ, cho phép nhà sáng tạo nội dung kiếm tiền hoa hồng khi người dùng mua các sản phẩm được đề xuất trong video của họ.
Hiện tại, chương trình này vẫn đang ở giai đoạn đầu. Công ty sẽ dần dần mở rộng tính năng mới cho nhiều nhà sáng tạo hơn trong năm 2023.
Trả lời TechCrunch, người phát ngôn của YouTube cho biết: “Chúng tôi tin chắc rằng YouTube là nền tảng tốt nhất để các nhà sáng tạo nội dung phát triển hoạt động kinh doanh và tính năng mua sắm sẽ góp phần tạo nên điều đó”.
Cách đây vài tuần, YouTube vừa đưa ra chính sách mới cho phép các nhà sáng tạo nội dung nhận 45% doanh thu quảng cáo bắt đầu từ năm tới.
Cụ thể, từ đầu năm 2023, những người dùng Youtube Shorts thỏa mãn điều kiện có 1.000 người đăng ký và 10 triệu lượt xem trong vòng 90 ngày sẽ được đăng ký “Chương trình đối tác” (Partner Program) của công ty. Từ đó, họ có thể kiếm được 45% doanh thu quảng cáo từ các video của mình.
Tháng 6 vừa qua, YouTube Shorts thông báo có 1,5 tỷ người sử dụng mỗi tháng. Dù vậy, theo báo cáo tài chính của Alphabet, doanh thu quảng cáo hàng quý của YouTube vẫn không được như kỳ vọng, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nên, tính năng mua sắm mới có thể là công cụ để Youtube mở rộng nguồn doanh thu trong bối cảnh thị trường quảng cáo đang sụt giảm.
TikTok chuẩn bị mở TikTok Shop tại Mỹ để cạnh trạnh với Amazon trên sân nhà
YouTube không phải là “gã khổng lồ” kỹ thuật số duy nhất đặt cược tương lai vào tính năng mua sắm. Các nền tảng mạng xã hội khác như TikTok và Meta cũng đã tham gia vào lĩnh vực này.
Tuần trước, công ty lặng lẽ bắt đầu thử nghiệm TikTok Shop tại Mỹ, cho phép người dùng mua sản phẩm trực tiếp thông qua ứng dụng. Trước đó, tính năng này chỉ khả dụng ở Anh và một số thị trường của Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, nền tảng Instagram do Meta sở hữu cũng đã cho phép các nhà sáng tạo nội dung đính kèm sản phẩm trong các buổi phát trực tiếp và trong tab mua sắm. Người dùng có thể xem các sản phẩm được đề xuất và tiến hành mua hàng ngay trên nền tảng.