Trong trào lưu “lan tỏa lòng tốt” trên TikTok, nhiều người cảm thấy bị quấy rầy, xúc phạm, chà đạp nhân phẩm vì những clip quay lén, tiết lộ danh tính và miệt thị hoàn cảnh.
TikToker Nờ Ô Nô bị tẩy chay vì có lời lẽ miệt thị người nghèo.
TikToker Nờ Ô Nô bị tẩy chay vì có lời lẽ miệt thị người nghèo. |
Nờ Ô Nô (hay Tuấn Brice) là cái tên đang bị dân mạng kêu gọi tẩy chay sau khi chia sẻ clip “Người nghèo ăn gì Nờ Ô Nô cho ăn đó”. Mang danh nghĩa giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, nhưng TikToker này thường xuyên có lời lẽ xúc phạm, miệt thị người nghèo.
Trong nhiều clip, nhân vật được giúp đỡ là người già, vô gia cư, trẻ em. Tất cả đều được quay rõ mặt và đôi lúc cảm thấy bối rối trước ống kính cùng những câu nói phản cảm của TikToker.
Nờ Ô Nô không phải người đầu tiên bị chỉ trích vì cố tình tạo clip câu view từ trào lưu “giúp đỡ người nghèo” trên TikTok. Khi những đoạn video trả hóa đơn cho người lạ, mua thức ăn cho người vô gia cư hay tặng hoa cho cụ bà… tràn lan trên nền tảng, ngày càng nhiều người đặt nghi vấn về khía cạnh đạo đức của xu hướng.
Từ việc quay lén nơi công cộng cho đến cách TikToker sử dụng một số đặc điểm về tuổi tác, giới tính, cách ăn mặc của người khác để tạo nội dung đều là những hành động không chính đáng, bất kể mục đích đề ra là gì.
Nhiều người phải tiếp nhận sự giúp đỡ không mong muốn thậm chí so sánh mình với các nạn nhân của trò chơi khăm trên mạng xã hội. Họ cảm thấy khó chịu, phiền hà, tổn thương vì bị quay lén, làm lộ danh tính hay hiểu sai về hoàn cảnh.
Phi nhân tính
Giữa tháng 7, khi đang ngồi nhâm nhi cà phê trong một trung tâm thương mại, Maree (Australia) bất ngờ nhận được bó hoa lớn từ một chàng trai lạ mặt. Người này không nói gì mà chỉ đặt hoa lên tay Maree rồi xách túi rời đi.
Người phụ nữ không hiểu chuyện gì xảy ra cho đến vài ngày sau, khi bà thấy khuôn mặt mình viral khắp mạng xã hội. Lúc này, Maree mới biết thanh niên đưa bó hoa cho mình là Harrison Pawluk (22 tuổi), một TikToker có hàng triệu lượt theo dõi.
Pawluk đã chia sẻ clip tặng hoa Maree lên kênh cá nhân với chú thích: “Tôi hy vọng điều này sẽ khiến ngày hôm nay của bà ấy tốt hơn”. Điều này khiến nhiều người xem suy đoán rằng Maree đang sống rất khổ sở. Nhiều bình luận động viên, an ủi, thương cảm xuất hiện dưới clip, dù không ai biết thông tin gì về Maree.
Trong cuộc phỏng vấn với ABC News, Maree khẳng định đoạn video được quay mà không có sự đồng ý của bà. Người phụ nữ mô tả hành động của Pawluk là “phi nhân tính” và “giả tạo”.
Maree chỉ trích TikToker tặng hoa mình để quay clip đăng lên mạng.
Maree chỉ trích TikToker tặng hoa mình để quay clip đăng lên mạng. |
“Cậu ta đã làm gián đoạn thời gian yên tĩnh của tôi và tự ý quay video mà không hề xin phép trước. Tôi chắc người này kiếm được kha khá tiền nhờ nó. Không phải ai cũng thích bất ngờ nhận được lòng tốt. Những thứ giả tạo này không phải là hành động tử tế ngẫu nhiên. Tôi bị làm phiền suốt mấy ngày nay”, Maree bức xúc nói.
Tượng tự, Esa, người đã giấu tên đầy đủ để bảo vệ sự riêng tư của mình, cũng vô tình thành nạn nhân của trào lưu “lan tỏa lòng tốt” trên TikTok, khi anh đi mua sắm tại siêu thị ở Melbourne, Australia.
Khi mở ví ở quầy tính tiền, Esa được thông báo rằng mọi thứ đã được thanh toán. “Hóa đơn khoảng 33 USD. Tôi hỏi nhân viên ở quầy thu ngân tại sao nó đã được thanh toán, anh ta chỉ nói: ‘Tất cả đã được trả xong xuôi'”, Esa kể.
Clip của TikToker khiến Esa bị hiểu lầm hoàn cảnh. |
Bối rối, Esa nghĩ đó có thể là một loại khuyến mãi nào đó từ siêu thị. Tuy nhiên, vài tuần sau, anh mới biết điều gì đã thực sự xảy ra, sau khi bạn bè cho anh xem một đoạn video trên TikTok.
Clip do TikToker Rustam Raziev đăng tải với chú thích: “Sứ mệnh của tôi? Giúp đỡ người khác. Trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình”, cùng các hashtag #Ramadan và #Melbourne. Clip thu hút hơn 6 triệu lượt xem và 330.000 lượt thích.
Esa, người đến Australia vào năm 2001 với tư cách là một người xin tị nạn từ Afghanistan, cho biết điều quan trọng là phải giữ kín chi tiết danh tính và thông tin về nơi ở.
Anh không muốn bất kỳ ai nhìn thấy mình trên mạng xã hội. Ngay cả trên các tài khoản mạng xã hội của chính mình, anh cũng không bao giờ đăng clip cá nhân.
“Tôi không muốn nổi tiếng, không muốn mọi người biết về mình. Nhưng anh ta đã làm điều đó mà không có sự đồng ý của tôi”.
Esa nói rằng anh cảm thấy “sốc, buồn, xấu hổ và tội lỗi” khi xem đoạn video. “Bởi vì nó dường như mô tả tôi là một người tuyệt vọng cần được giúp đỡ hoặc tôi là kẻ ăn xin vậy. Gia đình và bạn bè ở xa đã gọi cho tôi và hỏi chuyện gì đang xảy ra, ai đó đã trả tiền thức ăn cho tôi và liệu tôi có cần giúp đỡ hay không. Tôi bị tổn thương vì điều đó”.
Mục tiêu của các TikToker
Tiến sĩ Crystal Abidin, nhà nhân học số tại Đại học Curtin, cho rằng những clip về Maree hay Esa chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong một xu hướng phi đạo đức trên TikTok. Có hàng triệu clip “random acts of kindness” (tạm dịch: làm việc tốt ngẫu nhiên) trên các mạng xã hội với hàng tỷ lượt xem trên toàn cầu.
“Người quay clip được hưởng lợi bằng chính cái giá phải trả của nhân vật trong clip, những người thường được đặt ở vị trí kém tích cực hơn”, bà Abidin nhận định.
TOM, một người dùng TikTok ở Sydney, có gần 7 triệu người theo dõi trên mạng xã hội và hơn 200 triệu lượt thích cho nội dung “kyndness”, trong đó có những hành động được gọi là vị tha, chẳng hạn như tặng đồ ăn cho người lạ.
Tuy nhiên, người nhận “lòng tốt ngẫu nhiên” của TOM không phải lúc nào cũng cảm thấy thích thú. “Thật lố bịch, hãy cút đi”, một người phụ nữ từng hét lên trong clip, khi TikToker này tìm cách trả hóa đơn tại siêu thị cho cô.
Người vô gia cư thường trở thành nhân vật chính trong các clip “lan tỏa lòng tốt” trên TikTok. Ảnh: Unsplash.
Người vô gia cư thường trở thành nhân vật chính trong các clip “lan tỏa lòng tốt” trên TikTok. Ảnh: Unsplash. |
Theo bà Abidin, các TikToker trong xu hướng “lan tỏa lòng tốt” thường nhắm đến đối tượng người già, người có con nhỏ, nhóm họ cho rằng cần được hỗ trợ nhiều hơn so với một thanh niên khỏe mạnh hoặc một phụ nữ trẻ trung.
“Nhiều TikToker không quan tâm những người họ quay lén có thực sự muốn được giúp đỡ hay không. Người xem cũng ít khi biết các nhân vật cảm thấy như thế nào, có xấu hổ hay không, vì hầu hết clip được quay mà không có nhiều bối cảnh”.
Những người vô gia cư cũng thường là mục tiêu của các TikToker, những người ưa thích sử dụng các hashtag như #foryou, #give và #homeless. Theo bà Abidin, vấn đề nan giải là những người này thậm chí “không thể nói không với tính lan truyền không mong muốn” của các clip quay họ.
Tiến sĩ Abidin nói thêm không phải clip giúp đỡ người gặp khó khăn nào trên mạng xã hội cũng đáng chê trách, vẫn có nội dung được ủng hộ và tạo thiện cảm cho người xem.
“Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận nội dung này. Bạn đang giới thiệu sự trợ giúp có hệ thống hay đó chỉ là một khoảnh khắc chớp nhoáng? Kiếm tiền từ những người không biết họ là nguồn cung cấp nội dung sinh lời là điều cơ bản gây ra sự mơ hồ về mặt đạo đức của xu hướng”, bà Abidin nhận định.