Những thử thách vốn chưa từng tồn tại, hoặc hầu như không phổ biến cũng đủ gây cơn hoảng loạn cho nhiều người dùng Internet, thậm chí cả một quốc gia.
Không ít tin đồn trên TikTok bỗng chốc thành mối quan tâm của quốc gia, gây sự hỗn loạn thông tin.
Không ít tin đồn trên TikTok bỗng chốc thành mối quan tâm của quốc gia, gây sự hỗn loạn thông tin. |
Tháng trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra cảnh báo không nên ướp thịt gà bằng thuốc trị cảm cúm NyQuil. Thế nhưng, nó lại gây phản tác dụng.
Thay vì khiến mọi người tránh xa, nó dẫn đến hàng nghìn lượt tìm kiếm mới về món ăn kỳ lạ này. Chẳng bao lâu, một trào lưu có nguồn gốc từ bức ảnh chế trên diễn đàn 4chan bỗng xuất hiện khắp nền tảng truyền thông xã hội.
Cảnh báo trên của FDA không phải là lần đầu tiên xã hội chú ý quá mức đến một trào lưu trực tuyến không có thật, theo Insider.
Bên cạnh nhiều trào lưu thực sự nguy hiểm, có một số trường hợp mà các cơ quan chức năng và phương tiện truyền thông lên tiếng cảnh báo về những xu hướng hầu như không phổ biến, hoặc chưa từng tồn tại.
Trào lưu không có thật
Một ví dụ điển hình là thử thách “Slap a Teacher” (Tát một giáo viên) nổi lên vào cuối năm 2021.
TikTok được cho là nơi nuôi dưỡng và hình thành những trào lưu độc hại hiện nay, dù một số xu hướng không hề có thật. Ảnh: Pexels.
TikTok được cho là nơi nuôi dưỡng và hình thành những trào lưu độc hại hiện nay, dù một số xu hướng không hề có thật. Ảnh: Pexels. |
Theo đó, người thực hiện thử thách (là các học sinh) sẽ đánh lén thật mạnh vào đầu, lưng giáo viên. Trào lưu này còn biến tướng bằng cách đổi đối tượng bị đánh từ giáo viên thành các nhân viên trong trường.
Tin đồn này lan khắp mạng xã hội, dẫn đến cảnh báo trên khắp các tiểu bang, khu học chánh và sở cảnh sát ở Mỹ.
Khi điều tra nguồn gốc thông tin, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nó xuất phát từ một tin đồn tại một trường trung học ở bang California, sau đó lan truyền qua các nhóm Facebook phổ biến với các nhà giáo dục.
Dù TikTok nói rằng họ không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy trào lưu này đang lan truyền, không ít tổ chức và hãng tin tức đã liên tục đưa tin về “Slap a Teacher” như một hiện tượng nguy hiểm trên nền tảng này.
Gần đây nhất là thử thách ướp gà bằng thuốc cảm cúm. Nó vốn là một trò đùa trên 4chan và Twitter từ năm 2017, còn có tên “gà ngái ngủ”.
Món gà nấu với thuốc cảm chỉ mới được quan tâm kể từ sau thông báo của FDA, theo Insider.
Món gà nấu với thuốc cảm chỉ mới được quan tâm kể từ sau thông báo của FDA, theo Insider. |
Đầu năm nay, video về vài người thực hiện trào lưu, đổ chất lỏng màu xanh khắp miếng thịt gà bỗng lan truyền trở lại trên TikTok và YouTube. Thậm chí, có clip cho thấy một người làm món mì ống NyQuil.
Việc nấu gà bằng thuốc ho chắc chắn sẽ gây nguy hiểm, như cảnh báo của FDA đã đề cập hôm 15/9. Tuy nhiên, trên thực tế, hành vi được gọi là xu hướng này không hề lan truyền trên mạng xã hội. Chưa có bất kỳ báo cáo nào về trường hợp tử vong, bị ngộ độc hay nhập viện từ trào lưu.
Lan truyền bất kể đúng sai
Yotam Ophir, giáo sư truyền thông tại Đại học Buffalo, đã so sánh tác động khuếch đại từ cảnh báo của FDA với việc lan truyền thuyết âm mưu vô căn cứ của các tổ chức truyền thông như QAnon.
Sự hoảng loạn xã hội xung quanh công nghệ mới thực chất đã tồn tại qua nhiều thế hệ. Nỗi sợ về các phương tiện giao tiếp và truyền thông ảnh hưởng đến giới trẻ đã tăng lên cùng với sự ra đời của điện thoại, các thể loại âm nhạc mới và truyện tranh.
“Vật tế thần” mới nhất cho sự hoảng loạn của người lớn chủ yếu là TikTok, nơi những xu hướng mới xuất hiện hàng tuần và thuật toán cá nhân hóa chính xác một cách đáng sợ.
Sebastian Durfee đã tiến hành cuộc “thí nghiệm” bằng cách tạo ra một trào lưu giả mạo. Ảnh: Sebastian Durfee.
Sebastian Durfee đã tiến hành cuộc “thí nghiệm” bằng cách tạo ra một trào lưu giả mạo. Ảnh: Sebastian Durfee. |
Nhận diện được điều này, Sebastian Durfee (23 tuổi), một diễn viên kiêm TikToker, muốn chứng minh rằng bất kỳ xu hướng nào có vẻ đáng sợ cũng có khả năng lan truyền.
Đầu tháng 10, anh phát minh một trào lưu giả có tên “Thử thách Gốm sứ”, nơi người tham gia sẽ hít bột được nghiền ra từ mảnh gốm sứ.
Trong đoạn video, anh nói rõ là thử thách này chỉ là bịa đặt.
Tuy nhiên, trào lưu thực sự được lan truyền. Và nền tảng đã khóa tài khoản của thanh niên này.
Nói với Insider, Durfee cho biết anh muốn xem liệu có khả năng tạo ra một tin đồn trên Internet hay không, cho dù nó là thứ hoàn toàn dễ bị bác bỏ “chỉ với khoảng 2 giây tìm hiểu thông tin”. Cuộc thử nghiệm đã chứng minh anh ấy đúng.
Ngoài sự hưởng ứng và tham gia lan truyền trào lưu hư cấu của những người hâm mộ Durfee, nền tảng đã giúp video của nam diễn viên tiếp cận tới lượng khán giả lớn hơn. Điều này cho thấy những trò lừa bịp và thông tin sai lệch có thể thu hút được sự chú ý của nhiều người trước khi bị lật tẩy.
“Miễn là thử thách đủ thú vị và đáng sợ, mọi người sẽ chia sẻ như thể nó có thật”, chàng trai nói.