Nhóm người trẻ sử dụng TikTok nhiều hơn những thế hệ khác, nhưng họ được cho là không nhận thức được những rủi ro tiềm ẩn của nó.
“Thật xấu hổ khi chúng ta đang biết quá ít về TikTok và những tác động của nó bên ngoài sự giải trí”, Philipp Lorenz-Spreen, chuyên gia khoa học tại Viện Phát triển con người Max Planck ở Berlin, nhận xét. “Nghiên cứu về mức độ ảnh hưởng của một xu hướng thường đi sau sự phát triển của lĩnh vực đó, và TikTok là một ví dụ”.
Giới chuyên gia cảnh báo, sự bùng nổ của TikTok và các xu hướng truyền thông xã hội sẽ tác động xấu đến sức khỏe tâm thần của con người, đặc biệt là giới trẻ.
Mặt trái của TikTok
Nhiều người gọi thế hệ Z là “thế hệ TikTok” vì họ dùng ứng dụng này nhiều hơn các nền tảng mạng xã hội khác. Nghiên cứu của Pew Research công bố tháng 8 cho thấy 60% thanh thiếu niên truy cập mạng xã hội của ByteDance hàng ngày. Tại Mỹ, 67% cho biết đang cài ứng dụng và sử dụng thường xuyên, 16% thừa nhận dùng “gần như liên tục”.
Dù vậy, sự thiếu hiểu biết về cách các mạng xã hội “thao túng” người dùng đang gây lo ngại. “Chúng tôi nợ người dùng các nền tảng truyền thông xã hội những thông tin về tác hại của màn hình điện thoại đến sức khỏe thể chất và tinh thần”, Michael Rich, bác sĩ nhi khoa chuyên nghiên cứu tác động của công nghệ đối với trẻ em tại Bệnh viện nhi Boston, nói. “Chúng tôi phải làm điều đó để giúp người trẻ hiểu cách sử dụng ứng dụng một cách có ý thức, hoặc từ bỏ chúng”.
Thực tế, tác động sức khỏe tâm thần của mạng xã hội đã được ghi nhận, nhưng hầu hết là nghiên cứu nội bộ. Chẳng hạn năm 2021, cựu quản lý Meta là Frances Haugen đã công khai kết quả nghiên cứu của Instagram, cho thấy nền tảng này có tác động mạnh mẽ đến tinh thần của người dùng tuổi teen, như gia tăng tỷ lệ rối loạn ăn uống và trầm cảm ở các cô gái.
Trong khi đó, TikTok được đánh giá là còn gây lo ngại hơn. Với thuật toán tối ưu để kéo dài thời gian sử dụng càng lâu càng tốt, người dùng dường như không “thoát” khỏi ứng dụng và liên tục cuộn màn hình. “Điều đó ảnh hưởng đến não bộ, nhưng chúng ta không hề hay biết”, Lorenz-Spreen nói.
TikTok cũng là nơi xuất phát của nhiều trào lưu gây tổn hại đến sức khỏe nhiều hơn. Một loạt vụ kiện gần đây liên quan đến “thử thách ngạt thở” trên nền tảng này, trong đó khuyến khích người dùng làm gì đó khiến cho họ rơi vào trạng thái ngất xỉu.
Marc Faddoul, Giám đốc của tổ chức quyền kỹ thuật số Tracking Exposed, cho biết thuật toán TikTok “nhanh nhạy” hơn bất kỳ nền tảng nào khác, từ đó tạo sự lan truyền xu hướng khiến giới trẻ chạy theo. “Ứng dụng cung cấp luồng cảm xúc vô tận, khó nhận ra nhưng tác động đến não bộ về lâu dài. Nó sẽ không làm cho bất kỳ ai trầm cảm ngay sau một đêm, nhưng sử dụng nó hàng giờ mỗi ngày có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần của bạn”, Faddoul nói.
Khi Covid-19 bùng phát khiến nhiều người phải ở nhà, TikTok cũng phát triển mạnh mẽ. Các ứng dụng như Facebook cung cấp nội dung trên News Feed chủ yếu từ bạn bè và gia đình. Còn trên TikTok, phần lớn video hiển thị cho người dùng là từ người lạ.
“TikTok có cơ sở dữ liệu người dùng lớn và hoạt động theo thuật toán riêng, nên video có tiềm năng lan truyền rất nhanh và không phải ai cũng chuẩn bị cho điều đó”, Yim Register, chuyên gia nghiên cứu về sức khỏe tâm thần và mạng xã hội, nói. “Những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi video xấu lan truyền”.
Từ tháng 3/2021, TikTok đã đưa ra các công cụ mới để “thúc đẩy lòng tốt” trên ứng dụng, cho phép người dùng lọc nội dung spam, gây tác động xấu và hạn chế nhận xét xúc phạm. Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng động thái này không có nhiều tác dụng.
“Các nhà lập pháp và TikTok cần làm nhiều việc hơn, nhất là làm thế nào để người dùng trẻ thực sự hiểu rõ tác động giữa họ với nền tảng”, Register nói.