Từng chịu cảnh vỡ nợ vì kinh doanh thất bại, anh Cấn Mạnh Linh đã chấp nhận đi làm thuê và chờ cơ hội làm lại. Sau quá trình học hỏi và nắm bắt cơ hội, chàng trai này đã gặt hái được thành công và xây nhà tiền tỉ cho bố mẹ.
Đứng lên từ những vấp ngã
Nếu nói về tinh thần “có chơi, có chịu” của gen Z ngày nay thì anh Cấn Mạnh Linh (30 tuổi, quê Vĩnh Phúc) là một ví dụ điển hình. Từng chọn sai ngành học, hiếu thắng trong quá trình khởi nghiệp dẫn đến vỡ nợ nhưng khi nhận ra sai lầm, gặp thất bại chàng trai này đều đối mặt và quyết tâm làm lại khi đã “cất” được cái tôi cùng sự ngạo mạn của bản thân.
Từng là sinh viên của ngành điện tử viễn thông của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông (Hà Nội) vào năm 2011, nhưng sau gần một năm học tập, Linh cảm thấy không phù hợp nên đã chuyển sang học khoa Quan hệ quốc tế (tiếng Trung) của Học viện Ngoại giao. Trong quá trình là sinh viên của trường này, chàng trai quê Vĩnh Phúc may mắn bén duyên với việc tiếp thị thiết bị điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc và đã kiếm được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, được khoảng một năm thì Linh nhận ra công việc này không bền vững nên đã chuyển sang kinh doanh.
Sau khi ra trường, vì sự hiếu thắng và luôn nghĩ mình giỏi nên Linh không làm việc được với công việc nào quá một tuần. Sau đó anh quyết tâm tự kinh doanh, hợp tác cùng vài người mua lại những căn nhà cũ, sau đó tu sửa để cho thuê kiếm lời. Được vài tháng thì thua lỗ vì không có kinh nghiệm quản lý cũng như nhiều vấn đề phát sinh không thể giải quyết. Linh tiếp tục về quê “hùn” vốn với người bạn để bán sim số đẹp. Tin tưởng và đặt lòng tin ở người bạn “nối khố” nhưng khi đặt hết vốn vào hình thức kinh doanh này thì Linh nhận ra đời không là mơ. Năm 2017 là khoảng thời gian đen tối nhất của chàng trai quê Vĩnh Phúc khi phải gánh số nợ 500 triệu đồng từ 2 lần kinh doanh thất bại.
Nằm ở nhà suy nghĩ, sau vài tháng Linh quyết định “cất” đi tính hiếu thắng, nâng cao tinh thần học hỏi để vào làm việc tại một công ty của Trung Quốc về gia công website và phần mềm. Với lợi thế biết tiếng Trung nên anh Linh đảm nhận vai trò tìm kiếm khách hàng cho công ty. Sau thời gian làm việc, chàng trai này được học hỏi, trau dồi nhiều kiến thức về công nghệ cũng như đã trả được một phần số nợ. Không còn quá nhiều gánh nặng, tinh thần thoải mái hơn nên Linh có thời gian để thường xuyên lướt TikTok và nhận ra tiềm năng từ nền tảng này.
Biết nắm bắt thời cơ
“Những năm 2018-2019 nền tảng TikTok bên Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ hơn cả ở nước ta thời điểm hiện tại. Việc bán hàng đã diễn ra với những lợi nhuận khủng từ nền tảng này, tuy nhiên ở Việt Nam thời điểm đó TikTok vẫn chỉ được xem là một nền tảng vô bổ với kiểu làm video dạng như lau gương biến hình, hát nhép… Bắt đầu từ năm 2019, mình đã thử lấy những video TikTok ở bên Trung Quốc và dịch ý nghĩa sang tiếng Việt thì nhận thấy lượng tương tác rất lớn”.
Thế là, Linh bắt đầu xin nghỉ việc và mượn được số vốn 20 triệu đồng của bà và em gái để khởi nghiệp với… TikTok. “Sau quá trình tìm hiểu từ nhiều nguồn tài liệu, học hỏi từ nhiều người bạn nên mình đã thu thập được một lượng lớn kiến thức từ nền tảng này. Sau đó mình lang thang trong các hội nhóm thì thấy mọi người hỏi về TikTok rất nhiều nên mới đưa ra những gợi ý, kiến thức mình biết. Sau khi những chia sẻ của mình được áp dụng đã mang lại hiệu quả cao, từ đó có người chịu trả tiền để học kiến thức TikTok từ mình. Sau đó mình nghĩ ra việc thành lập các khóa học và thu phí học viên”.
Thời gian anh Linh phát triển các khóa học trực tuyến trùng với việc giãn cách xã hội do dịch Covid-19, vì vậy lượng khách hàng tìm đến rất đông mà không phải tốn nhiều chi phí cho việc thuê mặt bằng. Sau khoảng thời gian này, anh Linh đã có được một số vốn đủ để mở công ty chuyên cung cấp các khóa học về đào tạo bán hàng cho cá nhân và doanh nghiệp mong muốn kinh doanh trên nền tảng TikTok.
Anh Linh cũng bắt tay vào việc phát triển một cuốn sách mang tên Từ điển xây kênh để chia sẻ kinh nghiệm mà bản thân có được bằng hình thức tiếp cận bình dân như sách. Vì nhạy bén trong việc nắm bắt được mong muốn của nhiều đối tượng về việc phát triển nội dung kinh doanh trên nền tảng TikTok mà số lượng sách anh Linh bán ra đã cán mốc 50.000 bản và được xem là cuốn sách “best seller” trên TikTok Shop. Riêng tháng 2.2023 bán được 20.000 cuốn.