Chỉ còn vài giờ nữa là đến ca trực nhưng Imani, một người kiểm duyệt nội dung 25 tuổi ở Morocco, không muốn ngồi vào máy tính.
Cách đây hai năm, Imani sốc khi thấy đoạn video trên TikTok ghi lại cảnh một thanh niên ném con mèo lên không trung rồi đâm bằng thanh kiếm. “Tôi yêu mèo”, cô gái hiện làm việc tại một văn phòng ở Casablanca, cho biết. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được mình sẽ nhìn thấy cảnh như vậy ngoài đời. Nhưng đó không phải là một bộ phim, cũng không phải là một trò đùa mà là sự thật”.
Ám ảnh tâm lý
Hai năm sau, video vẫn khắc sâu trong tâm trí Imani. “Tôi cố tách mình khỏi ký ức đáng quên. Tôi muốn xem mọi thứ chỉ là công việc để không bị ám ảnh. Tôi còn con nhỏ”, cô nói.
Imani làm việc cho bộ phận kiểm duyệt nội dung của TikTok khu vực Trung Đông và Bắc Phi, thông qua bên thứ ba là Majorel – một công ty gia công phần mềm ở Luxembour. Cô nằm trong nhóm chuyên xem xét các video được đánh giá là “khủng khiếp” nhất trên TikTok, trong đó có vấn đề tự tử và lạm dụng trẻ em.
Năm 2020, Imani được nhận vào Majorel dù chỉ được trả lương hai USD mỗi giờ. Tuy nhiên, cô đã nghĩ mình may mắn bởi khi đó rất khó kiếm việc, cũng như được phép làm từ xa. Nhưng cô không ngờ công việc đã gây tổn hại đến tâm lý như thế nào.
Imani không đơn độc. Có khoảng 9 người đang hoặc từng làm việc cho Majorel mô tả việc kiểm duyệt nội dung TikTok khiến họ ám ảnh, kể cả khi đã nghỉ việc nhiều năm. Theo những người này, Majorel và TikTok áp đặt một môi trường khắc nghiệt, giám sát liên tục và thường xuyên đưa ra mục tiêu “gần như không thể thực hiện được”.
“Vấn đề khủng khiếp nhất trong công việc, theo tôi, là bạn bị bệnh từ từ và thậm chí không nhận ra nó. Ban đầu, bạn nghĩ vấn đề không lớn, nhưng nó sẽ ảnh hưởng dai dẳng về sau”, Wisam, một cựu thành viên kiểm duyệt TikTok, cho biết.
Trước TikTok, Wisam cũng là nhà kiểm duyệt nội dung kỳ cựu của Facebook. Theo anh, nền tảng của Meta có nhiều nội dung độc hại vì có cơ sở dữ liệu người dùng lớn, nhưng mạng video ngắn của ByteDance cũng gặp phải vấn đề tương tự do lượng người tham gia tăng nhanh. Quan trọng hơn, việc kiểm duyệt nội dung hoàn toàn bằng video gây tác hại đến tâm lý mạnh hơn.
Theo nghiên cứu của Insider Intelligenc, cơ sở người dùng của TikTok ở Trung Đông và Bắc Phi dự kiến tăng 30% trong năm nay. Một cựu cố vấn của Majorel ước tính, hiện có 1.400 người làm nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung cho TikTok làm việc tại Morocco.
Tương tự Meta, TikTok cũng dùng AI để phân loại nội dung, nhưng hệ thống của mạng video ngắn này kém hiệu quả ở các clip không phải tiếng Anh và tiếng Trung.
Nhiệm vụ khó nhằn
Samira, 23 tuổi, gia nhập Majorel tháng 7/2020, làm nhiệm vụ duyệt TikTok Lives. Ban đầu, cô được giao xem 200 video mỗi giờ cùng nhiệm vụ phải kiểm tra chuẩn 95%. Ba tháng sau, người quản lý tiếp tục tăng các chỉ số, đến mức cô chỉ có 10 giây để kiểm tra một video.
“Họ không coi chúng tôi là con người, mà là robot”, Samira nói.
Trong chia sẻ với Insider, có 6 trong số 9 người nhấn mạnh mục tiêu Majorel và TikTok đưa ra rất khó đạt được. Khi không đạt mục tiêu đề ra, nhân viên sẽ bị khiển trách hoặc thậm chí bị trừ khoản phụ cấp 50 USD mỗi tháng.
Trong quá trình làm việc, hàng loạt video khiến Samira rất sợ, nhất là các clip liên quan đến bạo lực và súng. “Tôi không thể nhìn đi chỗ khác, bởi đang theo dõi nội dung video để dán nhãn cảnh báo”, Samira nói. Sau video này, cô buộc phải thuê tư vấn viên chăm sóc sức khỏe và điều trị tâm lý tại nhà mỗi tháng.
Tại Morocco, việc điều trị tâm lý được đánh giá là xa xỉ. “Trước đây, nếu ai đi điều trị tâm lý, chúng tôi sẽ thốt lên ‘Ồ, thật điên rồ’. Nhưng giờ nó quá bình thường”, Nidal, một cựu điều hành viên Majorel từng làm việc cho cả Facebook và TikTok, nói.
Tiến sĩ Jihad Bnimoussa, nhà tâm lý học và CEO startup công nghệ sức khỏe InspireCorp, cho biết công ty có danh sách dài các khách hàng đang chờ. Tại Morocco, chi phí điều trị tâm lý có thể tới 30 USD/buổi, khá đắt so với mức thu nhập 500 USD mỗi tháng của nhân viên kiểm duyệt.
Nhân viên kiểm duyệt TikTok của Majorel có thời gian nghỉ ít hơn đồng nghiệp ở Mỹ. Tại Mỹ, họ được nghỉ ba lần trong ngày cùng thời gian nghỉ trưa kéo dài một tiếng, nhưng tại Morocco chỉ được nghỉ 40-45 phút cộng thêm một tiếng nghỉ trưa.
Bên cạnh đó, giờ làm việc cũng bị đánh giá là kém nhất quán. Với Imani, cô đôi khi được yêu cầu làm từ trưa đến giữa đêm. “Mỗi ngày tôi làm hơn 12 tiếng, dù thời gian thực tế trong hợp đồng ít hơn. Điều này khiến tôi không thể chăm sóc con nhỏ”, Imani nói.
Nhiều nhân viên và cựu nhân viên Majorel từng phụ trách kiểm duyệt nội dung cho Facebook và TikTok ngại lên tiếng vì không muốn bị trả thù. “Văn hóa công ty ưu tiên bí mật. Việc chia sẻ cởi mở về điều kiện công ty có thể khiến bạn nhận hậu quả”, một người tiết lộ.
Cách đây 6 tháng, Samina chọn cách rời Majorel nhưng vẫn chưa hết ám ảnh. “Tôi thấy ghê tởm. Tôi cũng cảm thấy sợ hãi rằng một ngày nào đó, con tôi, em hoặc cháu trai tôi nhìn thấy những thứ như vậy”, Samira nói về lý do nghỉ việc.