Để lách kiểm duyệt, nhiều người dùng TikTok chế từ lóng hoặc cố tình viết sai chính tả nhằm thay thế cho những cụm từ có thể “vi phạm nguyên tắc cộng đồng”.
Hàng loạt từ ngữ bị biến tấu, cố tình viết sai chính tả đế né tránh kiểm duyệt của TikTok. Ảnh: Washington Post illustration.
Hàng loạt từ ngữ bị biến tấu, cố tình viết sai chính tả đế né tránh kiểm duyệt của TikTok. Ảnh: Washington Post illustration. |
Lo sợ video của mình bị xóa khi dùng từ ngữ vi phạm quy tắc cộng đồng của TikTok, nhiều người dùng đang chế ra hàng loạt từ lóng thay thế: “sex” (tình dục) bị đổi thành “segg”, “leg booty” là cách thay thế “LGBTQ” hay “cornucopia” ám chỉ “sự kỳ thị đồng tính”.
Quay lại năm 2021, khi đại dịch trở nên căng thẳng, không muốn nội dung của mình bị xóa bởi chiến dịch trấn áp thông tin sai lệch về covid-19, nhiều người đã dùng “panoramic” thay thế “pandemic” (đại dịch).
Các nhà phê bình cho rằng hiện tượng dùng từ lóng này là dấu hiệu cho thấy TikTok quá tích cực, khắt khe trong việc kiểm duyệt, theo New York Times.
Song, sự cứng nhắc trong quy tắc ngôn ngữ lại tạo ra rắc rối cho người dùng khi truyền tải nội dung, đồng thời nền tảng rất lúng túng trong xử lý những kẻ vi phạm cố tình lách luật.
Vùng xám ngôn từ
Quy trình kiểm duyệt nội dung hai tầng của ứng dụng TikTok là một mạng lưới cố gắng thu thập tất cả nội dung bạo lực, thù hận, khiêu dâm hoặc lan truyền thông tin sai lệch.
Video được quét để phát hiện vi phạm, người dùng cũng có thể gắn cờ báo cáo chúng. Những trang bị phát hiện vi phạm sẽ tự động bị xóa hoặc được người giám sát xem xét.
Chỉ trong 2 tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2022, khoảng 113 triệu video đã bị gỡ xuống, trong đó 48 triệu video bị xóa tự động, nền tảng này cho biết.
Mặc dù phần lớn nội dung bị xóa có liên quan đến bạo lực, hoạt động bất hợp pháp hoặc ảnh khỏa thân, nhiều hành vi vi phạm quy tắc ngôn ngữ dường như nằm trong vùng xám.
Trên TikTok, sai phạm về ngôn ngữ vẫn là vùng xám khó kiểm duyệt. |
Trên TikTok, ai vi phạm nội quy có thể bị cấm đăng bài. Video bị báo cáo có thể bị xóa, hoặc có thể bị ẩn khỏi mục “Dành cho bạn” – trang đề xuất video cho người dùng, cách chính để TikTok được phân phối rộng rãi.
Khi một người dùng thấy video của mình bị chặn và cho rằng họ đã đụng chạm đến các chủ đề mà nền tảng này không thích, họ gọi đó là “shadow banning”. Tuy nhiên, đây không phải thuật ngữ chính thức và TikTok cũng không xác nhận nó có tồn tại.
TikTok không phải nền tảng duy nhất mà người sáng tạo nội dung cố gắng lách luật để tránh kiểm duyệt bằng cách viết sai chính tả, chế từ lóng.
Nhiều cách dùng từ né tránh được lan truyền nhanh chóng nhằm né kiểm duyệt như “không sống” thay thế cho “chết” hoặc “giết”. Thậm chí, cố một số cách viết kỳ lạ cũng hình thành như lesbian được ghi là “le$bian” (với chữ s được viết thành ký hiệu USD).
Trong một số trường hợp, người dùng đơn giản chỉ muốn tạo nên sự vui vẻ hơn là lo lắng về chuyện video bị xóa.
Kahlil Greene, người được biết đến trên TikTok với tư cách là “nhà sử học Gen Z”, cho biết đã phải né tránh nhiều thứ khi đăng một câu trích dẫn trong “Letter From Birmingham Jail” của Mục sư Martin Luther King Jr.. Anh đã viết cụm từ Ku Klux Klanner thành “Ku K1ux K1ann3r” và thay “white moderate” thành “wh1t3 moderate”.
Thất vọng vì cách kiểm duyệt cứng nhắc của TikTok, Greene chuyển sang đăng nội dung của mình lên Instagram.
“Tôi thậm chí không thể trích dẫn Martin Luther King Jr. mà không phải thực hiện quá nhiều biện pháp phòng ngừa”, anh nói. Greene cho biết thêm TikTok đang gắn cờ hoặc gỡ bỏ nhiều video giáo dục về chống phân biệt chủng tộc, khiến anh lãng phí thời gian và công sức nghiên cứu, viết kịch bản.
Kiểm duyệt cứng nhắc
Alessandro Bogliari, giám đốc điều hành của Influencer Marketing Factory, cho biết hệ thống kiểm duyệt rất thông minh nhưng có thể mắc lỗi, đó là lý do tại sao nhiều Influencer mà công ty của ông thuê cho các chiến dịch tiếp thị sử dụng “algospeak” (từ lóng mới).
Nguyên tắc của TikTok không liệt kê các từ bị cấm, song có một số dấu hiệu nhất quán để người sáng tạo biết và né tránh chúng, nhiều người cũng chia sẻ danh sách từ ngữ cấm kỵ.
Nhiều người làm nội dung nhận định TikTok đang quá cứng nhắc, khắt khe trong quy tắc ngôn ngữ. Ảnh: Mart Production/Pexels.
Nhiều người làm nội dung nhận định TikTok đang quá cứng nhắc, khắt khe trong quy tắc ngôn ngữ. Ảnh: Mart Production/Pexels. |
Người ta gọi “nipples” (núm vú) là “nip nops” và gái mại dâm là “kế toán viên”. “Sexual assault” (tấn công tình dục) được gọi tắt là “SA”.
Nhiều người bắt đầu gọi việc phá thai là “cắm trại”. TikTok cho biết chủ đề phá thai không bị cấm trên ứng dụng nhưng nền tảng này sẽ xóa thông tin sai lệch về y tế và vi phạm nguyên tắc cộng đồng.
Một số người sáng tạo nội dung cho biết TikTok kiểm duyệt khắt khe một cách không cần thiết với nội dung về giới tính, tình dục và chủng tộc.
Vào tháng 4, tài khoản TikTok của nhóm vận động Chiến dịch Nhân quyền thông báo họ tạm thời bị cấm đăng video sau khi sử dụng từ “gay” (đồng tính nam) trong một bình luận.
Lệnh cấm đã nhanh chóng vô hiệu và bình luận đã được đăng lại. TikTok gọi đây là lỗi do người kiểm duyệt không xem xét kỹ bình luận sau khi một người dùng khác báo cáo.
“Chúng tôi tự hào rằng các thành viên cộng đồng LGBTQ+ chọn tạo và chia sẻ nội dung trên TikTok, đồng thời các chính sách của chúng tôi hướng tới bảo vệ và trao quyền cho những nhóm này này trên nền tảng của mình”, đại diện TikTok cho biết vào thời điểm đó.
Tuy nhiên, Griffin Maxwell Brooks, một người sáng tạo và là sinh viên Đại học Princeton, đã nhận thấy các video có ngôn từ tục tĩu hoặc “dấu hiệu của cộng đồng LGBTQ+” dễ bị gắn cờ.