Tiktok mất 5 năm để tích lũy được hơn ba tỷ lượt tải ứng dụng và thu hút được 1/3 tổng số người dùng mạng xã hội trên thế giới. Trong khi đó, Facebook hay YouTube cần gần một thập kỷ để có được lượng người dùng lớn như vậy.
Một trong những lý do khiến Tiktok trở nên thịnh hành là nhờ tính năng hỗ trợ người dùng tự do sáng tạo các video ngắn của riêng mình. Không bỏ qua thị trường béo bở này, Facebook, Instagram, YouTube, Snapchat… cũng lần lượt chen chân vào cuộc đua nhằm giữ chân người dùng.
Snapchat tạo Spotlight
Tính năng mới trên Snapchat hiển thị nội dung video dọc, cho phép người dùng tạo video ngắn bằng những công cụ chỉnh sửa với bộ lọc và các hiệu ứng làm đẹp. Nói cách khác, ứng dụng này đã “cài” TikTok vào trong Snapchat.
Để tăng tính lan truyền cho Spotlight, Snapchat thông báo sẵn sàng trả tiền cho những video có độ viral cao. Khoản tiền một triệu USD sẽ được chia cho những nhà sáng tạo video phổ biến nhất mỗi ngày.
Theo CNBC, Joseph Melles, một nhà sáng tạo nội dung trên Snapchat, đã nhận được 19.600 USD từ Snapchat sau khi video của anh đạt được 300.000 lượt xem trong 24 giờ.
Evan Spiegel, CEO Snap, cho biết đây là sự tiếp nối xu hướng người dùng. Công ty đang định hướng Spotlight thành nơi khán giả có thể khám phá nội dung, chủ đề và xây dựng cộng đồng mới của người sáng tạo, từ đó tương tác với họ sâu hơn.
Hiện Spotlight có thiết kế toàn màn hình cùng các nút tương tác khá giống TikTok, đồng thời gợi ý người dùng xem các video do những người có ảnh hưởng và những thành viên khác của mạng xã hội này chia sẻ.
Facebook và Instagram phát triển Reels
Vào tháng 2, Facebook Reels có mặt tại hơn 150 quốc gia nhằm mục tiêu giúp những nhà sáng tạo trên khắp thế giới phát triển cộng đồng của riêng họ. Tính năng Reels cho phép người dùng chèn nhạc, hình ảnh và hiệu ứng vào các video ngắn với thời gian giới hạn trong 60 giây.
Mark Zuckerberg, CEO Facebook, cho biết video ngắn đã chiếm hơn 20% thời gian trên Instagram và 50% trên Facebook của người dùng.
“Chúng tôi mong muốn Reels trở thành nơi tốt nhất để nhà sáng tạo kết nối với cộng đồng của họ, cũng như kiếm tiền trên đó”, ônv nói.
Theo Reuters, nhằm giữ chân người dùng lâu dài, Facebook công bố tặng thưởng một tỷ USD cho cộng đồng những người sáng tạo nội dung. Đồng thời, tính năng này cũng thử nghiệm quảng cáo để giúp người sáng tạo có thêm doanh thu từ quảng cáo.
Chia sẻ với ItZone, nhà phân tích Michael Nathanson cho biết ông kỳ vọng Reels sẽ thành công như Story ra mắt năm 2018. Story hỗ trợ người dùng chia sẻ hình ảnh, câu chuyện trong 24h – điều Snapchat đi tiên phong nhưng cuối cùng Facebook lại là nơi khiến tính năng này trở nên phổ biến.
YouTube không đứng ngoài cuộc đua
Vốn là nền tảng chia sẻ video trực tuyến, YouTube cũng làm mới chính mình bằng cách triển khai tính năng video ngắn mang tên Shorts để cạnh tranh với TikTok.
Đây là công cụ giúp người dùng trải nghiệm và sáng tạo video ngắn bằng điện thoại di động, kèm rất nhiều công cụ chỉnh sửa video cũng như các hiệu ứng hay âm thanh. YouTube Shorts cũng cung cấp cho người dùng khoảng 100.000 bản nhạc.
YouTube cũng cho biết sẽ ký hợp tác với 250 đối tác xuất bản và hãng ghi âm như Universal, Sony Music, Warner Music, các nghệ sĩ và nhà xuất bản để mở rộng danh mục âm nhạc của mình. Bên cạnh đó, người dùng có thể tùy chọn kiểm soát tốc độ ghi hình và tính năng hẹn giờ đếm ngược để bắt đầu quay video.
Không kém cạnh với Facebook và Snapchat, YouTube cũng tặng thưởng 100 triệu USD cho những người có nội dung video ăn khách trên tính năng Shorts của họ nhằm thu hút nhiều người có tham gia, theo Reuters.
Business Standard cho biết YouTube Shorts hiện đạt trung bình hơn 30 tỷ lượt xem hàng ngày – gấp bốn lần so với năm trước. Todd Sherman, Giám đốc sản phẩm toàn cầu YouTube Shorts, nói: “Chúng tôi muốn tạo điều kiện dễ dàng và vui vẻ khi người dùng sáng tạo video trên Shorts”.